Sông Nile Huyền Thoại Và Xứ Sở Của Các Vị Vua Pharaon

Sông Nile huyền thoại và di sản thành Thèbes

Tôi bắt đầu cuộc hành trình khám phá Ai Cập bằng chuyến du thuyền xuôi sông Nile hùng vĩ. Đồng hành cùng chúng tôi là hàng trăm chiếc du thuyền ngược xuôi trên sông. Khung cảnh ấy có thể khiến ta liên tưởng đến những hình ảnh trong bộ phim Tất cả những dòng sông đều chảy.

Sông Nile

Sông Nile dài 6.650km bắt nguồn từ hai nhánh chính là xích đạo Đông Phi và vùng Ethiopia, chảy ngang qua Ai Cập và cuối cùng đổ ra vùng biển Địa Trung Hải. Dòng sông này được xem là quan trọng nhất của lục địa đen và cũng là một trong hai dòng sông dài nhất thế giới, góp phần không nhỏ vào việc hình thành nên một trong những nền văn minh cổ nhất của nhân loại – nền văn minh Ai Cập.

Với địa hình 94% sa mạc, đất nước Ai Cập gần như sống dựa vào sông Nile. Nhìn vào bản đồ chụp từ vệ tinh, ta sẽ thấy cả Ai Cập là một màu trắng xóa của cát, ngoại trừ một dải màu xanh ngắt của lưu vực sông Nile.

 

Dọc sông Nile

Nước của sông Nile trong xanh quyến rũ đến lạ kỳ. Màu nước ở đây gần giống màu xanh biếc đặc trưng của vùng biển Địa Trung Hải. Khi ánh hoàng hôn bắt đầu buông xuống phía sau những núi cát của hoang mạc thì sông Nile càng trở nên huyền ảo, với những bụi cọ cùng bóng người cưỡi lừa chậm rãi đi dọc hai bờ sông.

Điểm dừng chân đầu tiên của tôi là thành phố Luxor, nơi từng là thủ đô Thèbes huyền thoại của Ai Cập cổ đại. Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1979, Thèbes nổi tiếng nhờ di sản đặc biệt của các đời pharaon còn tồn tại đến ngày nay như đền Karnak, đền Luxor, thung lũng các vì vua, thung lũng các hoàng hậu và những bức tượng Memnon… Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi Luxor là một trong những thành phố có mật độ khách du lịch đông nhất đất nước Ai Cập.

 

Đền Karnak

Ngôi đền đầu tiên trong chuyến viếng thăm các di sản thành Thèbes là đền Karnak. Đây là quần thể đền lớn nhất Ai Cập còn tồn tại cho đến ngày nay và cũng là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất của Ai Cập. Đền nằm phía đông của sông Nile, được xây dựng niên đại từ 1580 – 1160 năm trước Công nguyên. Theo các nhà nghiên cứu, đền Karnak luôn là nơi thờ cúng chính các vua pharaon trong vòng gần 2.000 năm và cũng là nơi linh thiêng nhất của người Ai Cập.

 

Hàng sư tử đầu cừu dẫn vào đền Karnak

Lối vào cổng chính của đền nằm giữa hai hàng sư tử đầu cừu. Trong đền hiện còn lưu giữ hàng trăm cột đá cao 16m, đường kính rộng hơn 1m. Theo quan niệm của người Ai Cập cổ đại, cột đá là những cây hoa mọc lên từ đất. Do đó trên đỉnh những cột đá trong các ngôi đền cổ ta thường thấy chạm khắc các hình hoa văn mềm mại. Tường của đền được trang trí bằng các phù điêu miêu tả các pharaon dùng cung tên tiêu diệt cái ác.

Một điều đáng chú ý là các hình vẽ của pharaon luôn to lớn hơn các hình khác, hình càng lớn thì tầm vóc giá trị của pharaon càng tăng. Đối với người Ai Cập cổ đại, bất kể thực tế thế nào, pharaon luôn là người đúng và đại diện cho chính nghĩa.

 

Tượng Memnon

Rời đền Karnak, tôi lên đường đi thăm thung lũng các vị vua và hoàng hậu. Trên đường đi, tôi ghé thăm hai bức tượng đá Memnon nằm ở phía tây thành phố Thèbes. Tượng được làm từ các khối đá riêng lẻ dưới triều đại phong kiến thứ XVIII (khoảng năm 1400 trước Công nguyên), được người Ai Cập vận chuyển từ miền bắc đến đây. Tượng phía nam cao 21m và nặng 1.305 tấn, tượng phía bắc cao 21m và nặng 1.360 tấn.

Trương truyền, vào mỗi sớm bình minh, khi ánh nắng đầu tiên chạm vào hai pho tượng thì một tượng sẽ thổi sáo và tượng kia phát ra tiếng động. Cho đến ngày người La Mã xâm chiếm Ai Cập, vì hiếu kỳ hoàng đế La Mã Septimius Severus đã cho phá hai bức tượng ra (khoảng năm 200 sau Công nguyên) để tìm hiểu nhưng không khám phá được bí mật của người Ai Cập. Kể từ đó, sau khi được lắp ráp lại, cả hai bức tượng đều câm lặng cho đến ngày nay.

 

Qua khỏi hai tượng đá khổng lồ, tôi đặt chân đến thung lũng các vị vua. Đây là một bãi sa mạc rộng mêng mông nằm dưới chân dãy núi Libya đổ ra hướng thung lũng sông Nile. Các vua pharaon chọn nơi đây làm nơi yên nghỉ của mình. Có khoảng 63 vị vua thuộc triều đại thứ XVIII – XIX – XX (niên đại khoảng từ 1539 – 1075 trước Công nguyên) được chôn cất ở đây. Các ngôi mộ được xây chìm dưới lòng đất. Lối vào là các cửa hầm nhỏ.

Ngày nay, thung lũng các vị vua mở cửa hạn chế với du khách vì lý do bảo tồn. Cũng có thể do người Ai Cập không muốn du khách khuấy động vùng đất thiêng của họ. Khách du lịch khi vào bên trong tuyệt đối không được phép chụp hình, nếu phát hiện sẽ bị xóa thẻ nhớ và phạt 200 LE (đơn vị tiền tệ Ai Cập – 1 LE bằng khoảng 3.000 đồng Việt Nam).

Nằm cách không xa thung lũng các vị vua là thung lũng của các hoàng hậu. Đây là nơi chôn cất các hoàng hậu, con gái, đôi khi là con trai không kế vị của các vua pharaon. Người ta tính được có ít nhất 80 ngôi mộ cổ nằm dưới thung lũng này, trong số đó có mộ của hoàng hậu Néfertari nổi tiếng về nhan sắc, vợ của vua Ramsès II. Ông là vị vua pharaon thứ 3, vương triều thứ XIX, được xem là một trong những vị vua vĩ đại có quyền lực và được ca tụng nhất trong lịch sử nước Ai Cập.

Cũng như thung lũng các vị vua, công tác bảo tồn trong thung lũng các hoàng hậu được tiến hành khá nghiêm ngặt.

 

Du lịch bằng khinh khí cầu

Chặng đầu tiên trong chuyến hành trình khám phá Ai Cập của tôi được kết thúc bằng một trận bão cát sa mạc. Bão cát đến hết sức bất ngờ. Chỉ trong vài giây, ánh nắng hoàng hôn bị che phủ bởi những đám mây đen ngày càng lớn kéo về từ phía bên kia sông. Gió mỗi lúc càng mạnh kèm theo âm thanh và cát. Chỉ trong phút chốc, cả thành phố gần như bị bao trùm trong khối cát khổng lồ của sa mạc. Đêm hôm ấy bão cát đã làm gãy nhiều cây xanh và làm đổ vỡ rất nhiều cột đèn đường.

Rời Luxor, chiếc du thuyền xuôi theo dòng sông Nile đưa tôi đi khám phá tiếp các vùng đất kỳ thú khác của Ai Cập. Mặc dù mới trải qua một phần của hành trình nhưng tôi cũng như các du khách đến từ phương xa, tất cả đều sửng sốt và thán phục khi chiêm ngưỡng các di sản của nền văn minh Ai Cập – vô cùng vĩ đại và huyền bí.

Hành trình xuôi sông Nile

Chia tay Luxor và các di tích của thành Thèbes, chúng tôi đi thuyền xuôi theo dòng sông Nile hiền hòa quyến rũ. Sẽ không có gì thú vị hơn khi khám phá Ai Cập bằng con đường này bởi sông Nile là cái nôi của nền văn minh Ai Cập. Gần như tất cả tinh hoa của một thời Pharaon huy hoàng đều tập trung hai bên bờ sông này.

Đền Edfou

Chặng dừng chân tiếp theo của tôi là Edfou, một thành phố nhỏ ở tả ngạn sông Nile, cách thủ đô Cairo 755km. Edfou nổi tiếng bởi ngôi đền cổ cùng tên – đền Edfou – được xây dựng từ năm 237 đến năm 57 trước Công nguyên. Đền có chiều dài 137m, cao 36m và rộng 79m, thờ thần chim Horus – được xem là một trong những ngôi đền lớn và hoàn hảo nhất Ai Cập, chỉ đứng sau đền Karnak.

Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các hình họa khắc trên tường đền miêu tả các nghi lễ truyền thống của các vị vua Pharaon cũng như cách thức người Ai Cập cổ đại tiến hành xây dựng công trình trên sa mạc mà không bị lún. Ví dụ trong đó có hình vẽ miêu tả cảnh người Ai Cập đang dùng dụng cụ để tìm mạch nước ngầm. Người Ai Cập cho rằng muốn xây được đền ở sa mạc nhưng không bị lún thì phải tìm nền đá granic tự nhiên hoặc nơi có mạch nước ngầm. Thực tế đã chứng minh  nhiều công trình trải qua hơn 3.000 năm mà vẫn đứng vững cho đến tận ngày nay.

Đền Kom Ombo

Ngôi đền tiếp theo trong chuyến đi là đền Kom Ombo nằm phía hữu ngạn sông Nile. Đền xây dựng từ những năm đầu thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên bởi triều đại nhà Ptolemy thứ IV và hoàn thành vào thế kỷ thứ 3 (triều đại người Hi Lạp cai trị Ai Cập). Bởi vậy bên trong đền còn mang một số nét kiến trúc Hi Lạp và La Mã. Đây là nơi thờ thần Sobek (thần có đầu cá sấu) và thần Horus (thần có đầu chim) nên còn được gọi là “đền thờ hai thần”.

Tham quan các ngôi đền cổ, chúng ta nhận thấy một điều thú vị là người Ai Cập cổ đại thờ cúng các vị thần xuất thân từ một số loài vật. Thường thì họ dùng đầu của một số loài vật có thật, cách điệu lại cho hơi khác thường và gắn với thân người để tạo nên hình ảnh thánh thần. Chẳng hạn như thần Sobek (thần đầu cá sấu), thần Horus (thần đầu chim) hay thần Set (thần đầu chó), một trong những vị thần lâu đời nhất trong truyền thuyết Ai Cập cổ đại.

Assouan

Tiếp tục hành trình xuôi sông Nile, chúng tôi ghé lại Assouan, thành phố được UNESCO chọn làm “thành phố hòa bình”. Trong quá khứ Assouan từng là cửa ngõ chính ra vào của lục địa đen. Người dân Assouan đã có thói quen tiếp xúc với người nước ngoài từ thời xa xưa, có lẽ vì vậy họ luôn rất thân thiện.

(hết phần 1)